Giống lúa DT45 “bén duyên” vùng Nam Trung Bộ
( 15-12-2015 - 05:50 PM ) - Lượt xem: 1646
DT45 là giống lúa thuần được TS. Phạm Ngọc Lương và nhóm tác giả của Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam chọn tạo và công nhận tạm thời từ năm 2010, được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận chính thức, đưa vào sản xuất đại trà từ vụ đông xuân 2013-2014.
Các tỉnh miền Bắc đã đưa vào cơ cấu cho vụ xuân và vụ mùa; tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên, tác giả đưa vào sản xuất thử từ vụ đông xuân 2012-2013 tại xã Phước Thắng (Tuy Phước - Bình Định) với diện tích 10ha, năng suất bình quân trên 85 tạ/ha. Đến nay, giống lúa DT45 đã được sản xuất thử trên địa bàn các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Đắk Lắk với hàng ngàn hecta cho năng suất cao, ổn định và sản xuất được cả 3 vụ trong năm.
Giống lúa DT45 có chiều cao cây trung bình (90-105cm), cứng cây, lá xanh đậm, góc lá hẹp, đẻ nhánh trung bình, tập trung, tỷ lệ bông hữu hiệu cao, bông to, tỷ lệ hạt chắc cao, hạt xếp sít chồng lên nhau, dạng hạt hơi bầu, khối lượng 1.000 hạt đạt 24-25g. Năng suất cao (trung bình 70-75 tạ/ha), thâm canh tốt có thể đạt 85-90 tạ/ha. Tỷ lệ gạo nguyên cao, cơm ngon trung bình, là giống lúa đa dụng, nấu cơm, chế biến bánh bún… Khả năng thích ứng rộng với nhiều vùng sinh thái, từ đồng bằng tới các tỉnh trung du, miền núi, khả năng chịu rét tốt, chịu nóng khá. Chống chịu với điều kiện ngoại cảnh khá, nhiễm nhẹ rầy nâu, đạo ôn, sâu đục thân, cuốn lá. Thời gian sinh trưởng ngắn, tại các tỉnh Nam Trung Bộ, vụ đông xuân là 105-110 ngày, vụ hè thu và vụ 3 khoảng 90-92 ngày.
Kết quả trình diễn qua các mùa vụ năm 2012 - 2013 tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ thấy, tại HTX Phổ Văn (Đức Phổ - Quảng Ngãi), năng suất lúa đạt bình quân 75 tạ/ha, cao hơn giống đối chứng (Q5, Khang dân 18) và các giống lúa khác trong vùng từ 10-15%. Tại xã Phước Thắng (Tuy Phước - Bình Định), năng suất lúa đạt bình quân 80-85 tạ/ha, cao hơn và cơm ngon hơn giống đối chứng (ĐV108, Q5). Tại xã Điện Hồng (Điện Bàn - Quảng Nam), năng suất lúa đạt 82-86 tạ/ha, cao hơn giống đối chứng từ 10-15%.
Năm 2014 và vụ đông xuân 2014-2015, huyện Hoài Nhơn (Bình Định) đã sản xuất 133,9ha giống lúa DT45 ở 7 xã và HTX. Trong đó, vụ đông xuân 2013-2014, mô hình thực hiện tại Hoài Xuân và Hoài Mỹ đều đạt năng suất từ 80-82,4 tạ/ha, tăng 15,6 - 16,6 tạ/ha so với Q5, vượt 19,5 - 20% năng suất. Vụ hè thu 2014, toàn huyện trồng trên 77,6ha, phân bổ tập trung tại hai xã Hoài Xuân và Hoài Mỹ, năng suất đạt từ 70-72 tạ/ha, vượt ĐV108 từ 22,9-23,6% năng suất. Riêng HTX Hoài Hương tuy mới trồng trong vụ hè thu, dù gặp khó khăn về nước tưới nhưng vẫn thu được những kết quả nổi bật so với các giống đại trà trong vùng. Vụ 3 năm 2014, sản xuất thử 2ha tại xã Hoài Châu Bắc, mặc dù đầu vụ hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng, cuối vụ ngập úng nhưng DT45 vẫn đạt năng suất 72 tạ/ha. Qua kết quả trên cho thấy, năng suất bình quân của giống DT45 cả 3 vụ trong năm 2014 đều cao hơn hẳn các giống lúa Q5, ĐV108.
Vụ đông xuân 2014-2015, ngoài huyện Hoài Nhơn, diện tích sản xuất giống lúa DT45 được mở rộng thêm ở 2 huyện Hoài Ân và Phù Cát (Bình Định) với trên 220ha và hàng ngàn hộ dân tham gia. Qua thăm đồng và đánh giá năng suất các giống lúa trên đồng ruộng cùng trà cho thấy, tại xã Hoài Đức (Hoài Nhơn) , năng suất lúa DT45 ước đạt 78tạ/ha, trong khi các giống khác như Q5 ước đạt 68 tạ/ha, năng suất đại trà toàn huyện ước đạt 65,8tạ/ha.
Tại HTX Ân Thạnh, Ân Hảo Đông (Hoài Ân), 2 mô hình với diện tích 80ha, năng suất ước đạt 75-79tạ/ha, cao hơn lúa đại trà 13-15% năng suất. Tại HTX Cát Nhơn (Phù Cát), mô hình 100ha đạt năng suất 81 tạ/ha, cao hơn ĐV108, VĐ8 11-13% năng suất. Như vậy, DT45 đưa ra sản xuất trên diện rộng được đánh giá là giống có năng suất khá cao, ổn định cả 3 vụ trong năm, hơn hẳn các giống đại trà như Q5, ĐV108, KD18, VĐ8…từ 10-15% năng suất.
Theo đánh giá của nông dân, giống lúa thuần DT45 có nhiều ưu điểm tốt, cây sinh trưởng tốt, bông to, hạt chắc cao, kháng chịu sâu bệnh khá, chịu thâm canh, thích ứng rộng với các chân ruộng khác nhau, thời gian sinh trưởng ngắn, chịu lạnh, chịu nóng khá, năng suất cao hơn giống lúa thuần Khang dân 18, Q5, ĐV108 từ 10-20% và phù hợp với điều kiện canh tác của nông dân tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Hải Vân